Tin tức

Đề xuất xây dựng cơ chế phát triển cho Khu kinh tế Vân Phong trong bối cảnh mới

Khánh Hòa đề xuất được xây dựng đề án về cơ chế, chính sách phát triển KKT Vân Phong trong tình hình mới nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vịnh Vân Phong và KKT Vân Phong.



Phối cảnh khu công nghiệp và cảng Vân Phong.

Điều chỉnh quy hoạch chung theo hướng hiện đại

Khu kinh tế (KKT) Vân Phong nằm ở phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, có diện tích khoảng 70.000 ha đất liền và đảo, 80.000 ha mặt nước, gồm 2 khu vực: Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) và Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa).

Theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2014, KKT Vân Phong có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, với cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác. KKT Vân Phong cũng được xác định là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư, là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước.

Tuy nhiên, việc quy hoạch KKT Vân Phong hiện vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế; công tác tổ chức lập quy hoạch xây dựng các phân khu chức năng trong KKT để thu hút các dự án đầu tư động lực, có quy mô lớn gặp nhiều khó khăn về việc bố trí nguồn vốn ngân sách nên triển khai chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư. Ban Quản lý KKT Vân Phong đã rà soát và báo cáo UBND tỉnh xem xét chủ trương xã hội hóa kinh phí lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với một số khu vực thuộc KKT Vân Phong.

Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, để triển khai thu hút đầu tư các dự án theo danh mục, qua rà soát, đơn vị nhận thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện. “Để tạo điều kiện thu hút đầu tư, KKT Vân Phong đã báo cáo UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cho phép lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay và tương lai”.

Tháng 6 năm nay, Chính phủ đồng ý tạm dừng triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua; đồng thời tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch liên quan và quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, Khánh Hòa đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, cho phép địa phương xây dựng đề án về cơ chế, chính sách phát triển KKT Vân Phong trong tình hình mới để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vịnh Vân Phong và KKT Vân Phong.

“Hiện địa phương đang thực hiện theo tinh thần phát triển tổ hợp dịch vụ du lịch cao cấp, tổ hợp cảng biển hiện đại, tổ hợp công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ… nhằm kích thích, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói.

Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đã đón chuyến hàng cập cảng đầu tiên.

Hướng đến liên kết vùng

Sẽ có nhiều thay đổi sau khi KKT Vân Phong được điều chỉnh quy hoạch, hướng đến một tầm nhìn mới cho tỉnh Khánh Hòa từ tiềm năng vốn có của khu vực này và vùng lân cận.

Vừa qua, tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên cùng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tạo cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực liên kết vùng giữa khu vực Bắc Khánh Hòa - Nam Phú Yên.

Tại cuộc làm việc mới đây của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình với Khánh Hòa và Phú Yên, lãnh đạo 2 tỉnh này đều có ý kiến đề xuất với Chính phủ các cơ chế, chính sách cụ thể, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng và địa phương để tạo liên kết vùng nhằm thúc đẩy phát triển tiềm năng sẵn có của khu vực.

Trong đó, liên kết vùng giữa khu vực Bắc Khánh Hòa và Nam Phú Yên được nhấn mạnh, nhất là quá trình lập quy hoạch tổng thế quốc gia, quy hoạch vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch, để báo cáo Thủ tướng xem xét.

Thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư lớn

Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, KKT Vân Phong vẫn đón những tín hiệu vui khi nhiều nhà đầu tư lớn bắt đầu trở lại và quan tâm tới tiềm năng phát triển tại KKT Vân Phong (cả phía Bắc và phía Nam).

Theo một số tài liệu khảo sát, khu vực vịnh Vân Phong có độ sâu trung bình 20 - 30 m, tương đối kín và chắn gió tốt, thuận lợi để phát triển cảng biển quốc tế và các dịch vụ hậu cần cảng. Đặc biệt, khu vực này có vị trí gần ngã ba các tuyến hàng hải quan trọng như: châu Âu - Bắc Á, châu Úc - Đông Bắc Á và Đông Nam Á - Đông Bắc Á; là cửa mở hướng ra biển Đông của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả bán đảo Đông Dương nói chung đối với hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây.

Hiện nay, khu vực Bắc Vân Phong đang có nhà đầu tư quan tâm, đề xuất xây dựng khu phi thuế quan, bao gồm cảng trung chuyển với tổng vốn đầu tư lớn.

Trong những chuyến khảo sát cơ hội đầu tư vào Vân Phong, tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đánh giá, Bắc Vân Phong đang sở hữu những lợi thế mà nhiều nơi khác không có được. Tập đoàn IPP mong muốn đầu tư xây dựng khu vực Bắc Vân Phong thành một KKT hiện đại, khác biệt. Đặc biệt, đại diện tập đoàn này cũng đề xuất hướng xã hội hóa để nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong theo hướng hiện đại và khác biệt.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, một số công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã đến làm việc và đề xuất đầu tư các dự án điện khí tại khu vực Nam Vân Phong thuộc địa bàn KKT Vân Phong với quy mô đầu tư hàng tỷ USD… Các nhà đầu tư cho rằng, khu vực này rất thuận lợi để thực hiện các dự án điện điện khí hóa lỏng (LNG), có thể xây dựng cảng nước sâu, không phải nạo vét, tạo luồng như các địa phương khác.

Tổng giám đốc điều hành Cảng tổng hợp Nam Vân Phong Trương Nguyên Linh cho hay, vừa qua, Cảng chính thức đón chuyến hàng đầu tiên.

Sự kiện đã mở ra một tuyến vận tải biển mới, hiện đại nhất cho KKT Vân Phong trong điều kiện nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, thu hút các dự án thứ cấp đầu tư vào Khu công nghiệp Ninh Thủy tại khu vực này.

Bandatnhatrang.com.vn

Tin tức liên quan